Đầu tư đặc khu kinh tế là ‘sự đặt cược lớn’

0
693

Đề cập tới phát triển ba đặc khu kinh tế tại phiên thảo luận ở tổ sáng 22/5, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, chủ trương lập đặc khu kinh tế không sai nhưng “có khả năng, nguồn lực thực hiện và quản lý để các khu vực này thành công hay không lại là vấn đề”. 

“Một số chuyên gia gọi việc đầu tư, xây dựng đặc khu kinh tế là sự đặt cược lớn. Tỷ lệ đặc khu thành công trên thế giới ít hơn con số thất bại rất nhiều, bởi thành công còn phụ thuộc vào năng lực quản lý, xử lý các mối quan hệ với thế lực tài chính, các nhóm lợi ích… khiến méo mó đi chủ trương ban đầu”, ông Nghĩa nói. 

Nhắc lại sự thất bại khi Nhà nước bỏ vốn đầu tư một số dự án nhưng đến giờ “trùm mền, đắp chiếu”, ông Nghĩa cho rằng, đặc khu kinh tế là những dự án rất lớn, liên quan tới hàng trăm nghìn dân, các vùng rừng vàng biển bạc của Việt Nam, di sản thiên nhiên phải bảo tồn. “Hệ quả của những việc làm tác động tới các yếu tố dân sinh, xã hội đã được tính hết khi xây dựng dự thảo luật đặc khu hay chưa?”, ông đặt câu hỏi, và lưu ý đã có quốc gia phải trả giá khi sử dụng quyền lực mềm trong đầu tư đặc khu. Số khác không còn nguồn lực trả nợ, phải cược cảng cho chủ nợ tới 99 năm.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: HT

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: HT

Nêu phản ánh của người dân tại các vùng dự kiến thành đặc khu, ông Nghĩa cho biết, hiện người nước ngoài núp bóng người Việt Nam mua đất rất nhiều. Cò đất lợi dụng thổi giá tại các địa phương này lên cao gấp chục lần so với trước. Chưa kể việc dễ dãi trong cấp phép có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. Chẳng hạn, Phú Quốc là đảo nên có 200 hải lý về đặc quyền kinh tế, các vùng có biển nếu cấp đất không khéo thì các vùng đất này có thể chi phối, tạo những ý đồ không tốt, ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. 

“Chúng ta đối phó bằng cách nào? Chế tài không có, không mạnh thì sau những việc làm không đúng luật sẽ được hợp thức hoá”, ông lưu ý. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội lại cho rằng mục tiêu của Việt Nam là làm bất cứ việc gì để đất nước phát triển nhanh, bất kể đó là đặc khu hay tiểu khu. 

Vị này cũng cho rằng, việc phát triển các đặc khu vẫn đang lành mạnh, không thể lấy việc một số người đầu cơ đất để tạo áp lực cho chính quyền. Hiện nay 97% giao dịch đất tại các khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế không phải là đất ở mà là đất nông nghiệp, đất rừng, không được chuyển đổi sang đất ở, đất sản xuất kinh doanh.

“Làm đặc khu có thất bại, thành công, chúng ta học họ để có điều chỉnh phù hợp khi triển khai”, ông Kiên nêu quan điểm. 

Nói thêm, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh tới việc đặc khu kinh tế cần xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, 4.0 hay trí tuệ nhân tạo, chứ không nên đơn thuần ưu tiên, ưu đãi phát triển casino hay thu hút đầu tư dễ dãi. “Ai nắm được công nghệ cao thì người đó sẽ chi phối thế giới. Chính phủ cần có chính sách điều chỉnh trong chính sách kinh tế xã hội của 2,5 năm còn lại làm rõ yếu tố này”, ông đề nghị. 

Trong những trao đổi trước đây, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng đặc khu tại Việt Nam là tạo sân chơi, luật chơi mới với thể chế vượt trội và cạnh tranh so với các nước trong khu vực. “Chính sách tại đặc khu sẽ nhất quán, ổn định, lâu dài và có tính vượt trội nhằm giúp các nhà đầu tư yên tâm với sự cam kết của Chính phủ”, ông khẳng định.

Người đứng đầu ngành kế hoạch cũng khẳng định, thể chế xây dựng đặc khu được xác định không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường và sức khỏe người dân.

“Chúng tôi tin, với sự tham gia ý kiến của nhiều chuyên gia khoa học và nhà nghiên cứu trong nước, đến nay bộ luật này đảm bảo đạt chất lượng, thu hút được nhà đầu tư và đạt tính khả thi của các đặc khu này sau khi được Quốc hội ban hành”, Bộ trưởng Dũng nói.

Tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, việc hình thành các đặc khu kinh tế sẽ giúp Nhà nước thu về hàng tỷ đôla Mỹ. Tại Vân Đồn, ước tính Nhà nước sẽ thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí; 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Đặc khu Bắc Vân Phong cũng dự kiến đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất. Còn tại Phú Quốc, con số này khoảng 3,3 tỷ USD.

Ngày 23/5 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự luật Đặc khu hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Dự luật này đã được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4; sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 23 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Hiện dự luật này đã được chỉnh lý trên cơ sở nguyên tắc phải bảo đảm có những ưu đãi có tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế; có thể khác với các luật hiện hành nhưng phải trong khuôn khổ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân. 

Anh Minh

Đầu tư đặc khu kinh tế là ‘sự đặt cược lớn’
Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here