Sáng 11/7, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã đón chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh xuống đường băng. Đây là chuyến bay hiệu chỉnh nhằm kiểm tra hai hạng mục đã hoàn thiện – đường băng và phòng điều hành tháp không lưu.
- 04-07-2018 Sân bay Vân Đồn thu hồi vốn trong 45 năm, lợi nhuận 14%
- 27-06-2018 Nhà đầu tư lướt sóng chạy khỏi đặc khu, nhà đất Sài Gòn “nuôi hi vọng”
- 19-06-2018 Phó Thủ tướng: Phải thiết kế tốt hơn Luật Đặc khu
- 20-01-2018 Quảng Ninh đã chuẩn bị gì cho đặc khu Vân Đồn?
10h05 sáng nay, chiếc máy bay mang số hiệu VH – FIX đã đáp xuống đường băng Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn thành công.
Đây là chuyến bay hiệu chỉnh kiểm tra được cất cánh từ sân bay Quốc tế Cát Bi (Hải Phòng).
Mặc dù là chuyến bay kỹ thuật, tuy nhiên đây được coi là chiếc máy bay đầu tiên hạ cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, đánh dấu bước quan trọng trong thành công của việc xây dựng sân bay cũng như chuẩn bị đưa vào khai thác.
Dự kiến, tháng 12/2018, Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn sẽ chính thức đưa vào hoạt động.
Những chuyến bay thương mại đầu tiên sẽ hạ và cất cánh tại đây, trở thành tiền đề cho bước chuyển mình của Vân Đồn.
10h10, máy bay mang số hiệu VH – FIX cất cánh từ sân bay Quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) đã hạ cánh an toàn và đỗ tại đường băng sân bay Vân Đồn – chuyến bay kéo dài khoảng 30 phút.
Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn được khởi công xây dựng từ tháng 3/2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trên tổng diện tích 325 ha, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng.
Sân bay Vân Đồn được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt là Cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế – ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là Cảng hàng không quốc tế hiện đại với đường cất hạ cánh dài 3,6km, rộng 45m, có khả năng đón những loại máy bay chuyên chở hàng hoá và hành khách lớn.
Trên tổng diện tích gần 27.000m2, nhà ga được thiết kế gồm 2 cao trình đến và đi riêng biệt, có 4 cầu hành khách cho máy bay và 4 vị trí bãi đỗ xa (giai đoạn 1).
Đến năm 2030 (giai đoạn 2) có thể đủ công suất tiếp nhận 15 máy bay cùng lúc. Trong tháng 12/2018, các ống lồng cầu dẫn có thể tiếp nhận các tàu bay lớn hạ cánh tại Vân Đồn.
Nằm trong tổng thể thiết kế của sân bay, đài kiểm soát không lưu được bố trí gần khu vực nhà ga quốc tế, có chiều cao 42m, đảm bảo giám sát, điều phối máy bay đi và đến trên mặt đất và trên không an toàn.
Phòng điều hành đài không lưu có góc nhìn 360 độ, có thể quan sát trọn vẹn sân bay, từ đầu đến cuối đường băng.
Đến ngày 11/7, đài không lưu đã được bàn giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Sau khi tiếp nhận phòng điều hành, kip kiểm soát viên không lưu sẽ làm việc để đón chuyến bay hiệu chỉnh đầu tiên hạ cánh tại sân bay Vân Đồn vào ngày 11/7.
Đội xe chuyên dụng hoạt động tại sân bay, trực tiếp bên trong nhà ga và đường băng đã sẵn sàng hoạt động.
Xe thang chuyên dụng, xe nâng, xe kéo đẩy tàu bay, xe bơm nhiên liệu, bus đón trả hành khách… thường thấy tại các sân bay quốc tế.
Hai chiếc bus đưa đón hành khách trong nhóm bus hiện đại nhất tại các Cảng hàng không tại Việt Nam.
Đường cất hạ cánh của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại, đảm bảo dẫn đường tàu bay hạ cánh an toàn trong mọi điều kiện thời tiết.
Hệ thống được lắp đặt bởi hàng nghìn đèn lớn nhỏ, chìm nổi khác nhau chạy dọc từ đầu tới cuối đường băng.
Khung cảnh hệ thống dẫn đường lên đèn vào ban đêm, góc nhìn từ máy bay khi hạ cánh xuống đường băng.
Nhà ga chính đang dần hoàn thiện những hạng mục thi công cuối cùng.
Điểm nhấn trong kiến trúc tổng thể của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là nhà ga, với mái che được thiết kế độc đáo lấy cảm hứng từ hình ảnh những cánh buồm nâu no gió, xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn.
Kết cấu tầng tầng lớp lớp của mái che nhà ga mang dấu ấn đặc trưng của di sản Vịnh Hạ Long. Mái che tạo ra khoảng trống không gian bên trong sảnh nhà ga nhờ hệ thống kính rộng lớn, giúp đưa ánh sáng trời tự nhiên vào.
Phía bên dưới các “cánh buồm” mái che, công nhân đang hoàn thiện việc lắp các tấm ốp trần. Hiện tại dự án còn 5 tháng thi công để kịp tiến độ đưa vào vận hành cuối năm 2018.
Sảnh đón khách tại tầng 2 nhà ga đang hoàn thiện phần ốp mái, nơi đây sẽ có 31 quầy thủ tục hàng không, đảm bảo quá trình thực hiện các thủ tục đi và đến của hành khách được linh hoạt, nhanh gọn và hiệu quả.
Dự kiến khi đi vào hoạt động trong giai đoạn I đến năm 2020, nhà ga đáp ứng công suất phục vụ 2,5 triệu khách/năm, cao điểm đạt 1.250 hành khách/giờ, trong thời gian tới sẽ nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm. Riêng nhà ga hàng hoá có công suất 10.000 tấn/năm.
Theo Tiến Tuấn
Trí thức trẻ