QUẢNG NINH: HIỆN THỰC HOÁ GIẤC MƠ “KHÔNG KHÓI”

0
684

Theo ông Trịnh Đăng Thanh, PGĐ phụ trách điều hành Sở Du lịch Quảng Ninh: Được ví như một Việt Nam thu nhỏ, một điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam và có tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Vịnh Hạ Long- di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và thế mạnh nổi trội để phát triển sản phẩm du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, trở thành trung tâm du lịch quốc tế.
– Ông đánh giá như thế nào thực trạng khai thác, hiệu quả du lịch của tỉnh Quảng Ninh hiện nay?
Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến với Quảng Ninh đạt trên 8,3 triệu lượt, tăng 7% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế đến Quảng Ninh đạt 3,5 triệu lượt, tăng 27% so với cùng kỳ, tổng thu từ khách du lịch đạt 13.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2015.
Những con số ấn tượng này cho thấy, ngành công nghiệp không khói của Quảng Ninh đang có những đột phá mới trong chặng đường phát triển. Điều nhận thấy rõ nhất là những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh du lịch. Dịch vụ du lịch có nhiều cải thiện, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư mạnh mẽ, huy động được các nguồn vốn rất lớn ngoài ngân sách. Hiện toàn tỉnh có trên 1000 cơ sở lưu trú, trên 40 doanh nghiệp lữ hành.
– Để tạo ra sản phẩm đặc thù riêng, mang tính vùng miền và có khả năng liên kết sản phẩm cần tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch, gắn không gian du lịch với sản phẩm du lịch, xin ông cho biết kế hoạch triển khai thực hiện?
Quảng Ninh đã thuê Tập đoàn tư vấn Boston – BCG (Mỹ) tư vấn lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030. Qua đó, tăng cường công tác đầu tư, phát triển du lịch, gắn không gian du lịch với sản phẩm du lịch như: Phát triển sản phẩm, kết nối không gian du lịch, tập trung đầu tư hoàn thành tuyến đường nối khu Di tích nhà Trần, Đông Triều với Khu di tích danh thắng Yên Tử, Cụm công trình Bảo tàng – Thư viện, Cảng tàu Quốc tế Tuần Châu… khôi phục nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, văn hóa tại một số làng chài trên vịnh Hạ Long, Vân Đồn, phát triển sản phẩm thiền tại chùa Cái Bầu; du lịch cộng đồng, trải nghiệm, làng quê tại Quảng Yên, Đông Triều…
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2016 là 8,3 triệu lượt khách, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu từ khách du lịch đạt trên 13.000 tỷ đồng.
Quảng Ninh đã đẩy mạnh chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, tạo sản phẩm phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường hoạt động quảng bá xúc tiến, phát triển, mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế như: Triển khai công tác tiếp thị, mở rộng thị trường tại tại Vương quốc Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Tổ chức Lễ hội Carnaval Hạ Long thường niên, lễ hội Hoa Anh đào, lễ hội mai vàng Yên Tử quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về con người, vùng đất, văn hóa đặc sắc của các dân tộc Quảng Ninh.
– Du lịch Quảng Ninh đang cần một nguồn lực đầu tư rất lớn, xin ông cho biết thực trạng thu hút đầu tư vào lĩnh vực này?
Sau khi có Quy hoạch phát triển tổng thể Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã tác động tích cực đến hoạt động du lịch thông qua việc thu hút một loạt các dự án đầu tư mới của nhiều nhà đầu tư chiến lược như: Bim Group, Vingroup, Sun Group, Myway, Tuần Châu, FLC… Trong năm 2016, nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao được đưa vào hoạt động mang lại một diện mạo mới cho du lịch Quảng Ninh. Trong đó phải kể đến Tập đoàn Sun Group triển khai tổ hợp dự án du lịch, giải trí Công viên Đại dương Hạ Long với tổng vốn đầu tư lên tới 6.000 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục: Hệ thống cáp treo ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, vòng xoay khổng lồ Mặt trời Hạ Long, khu thuỷ cung lớn, công viên nước khổng lồ, các công trình thương mại, dịch vụ cao cấp… Tập đoàn Vingroup đưa vào khai thác khu khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Rều, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long.
– Xin ông cho biết mục tiêu cụ thể mà ngành du lịch Quảng Ninh đặt ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo?
Năm 2017, ngành Du lịch Quảng Ninh tiếp tục phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo chiều sâu, có sự tăng trưởng cả về chất và lượng. Tiếp tục mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2017 sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu với tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ninh đạt khoảng 8,6 triệu, trong đó khách quốc tế đạt 3,6 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 13.800 tỷ đồng. Cũng trong năm nay, ngành du lịch sẽ tăng cường mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế đến từ: Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Nga, Bắc Mỹ, Nam Á, Trung Đông và hướng đến các dòng khách có khả năng chi trả cao, thu hút thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.
Vinpearl Hạ Long
Về lâu dài, Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đề ra mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng với tiềm năng lợi thế cũng như các chương trình hành động đang triển khai, Quảng Ninh phải đi trước 5- 10 năm. Có thể đến năm 2020 du lịch Quảng Ninh đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi, hiện nay du lịch Quảng Ninh đã đóng góp thu nội địa 6,5% và tính về sức lan toả với GRDP, du lịch Quảng Ninh chiếm trên 10%. Trong khi tiêu chí đạt được ngành kinh tế mũi nhọn là 10% và tạo ra việc làm và có khả năng hội nhập.
Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông được kết nối đồng bộ như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, du lịch Quảng Ninh sẽ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

QUẢNG NINH: HIỆN THỰC HOÁ GIẤC MƠ “KHÔNG KHÓI”
Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here