Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, song nhờ tăng cường, cải thiện công tác xúc tiến đầu tư như: làm việc trực tiếp với nhà đầu tư, cung cấp thông tin qua điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng họp trực tuyến… nên tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được lượng lớn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Tính đến hết tháng 6/2021, tổng số vốn thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh Quảng Ninh đạt trên 22.400 tỷ đồng, tương đương 975 triệu USD.
Theo đó, Quảng Ninh đã thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng nguồn vốn đầu tư trên 13.100 tỷ đồng và 4 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư trên 8.600 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án FDI có vốn đầu tư tăng thêm trên 425 tỷ đồng.
Đó là dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam tại Khu công nghiệp Sông Khoai, với số vốn đăng ký đầu tư đạt gần 500 triệu USD. Đây là dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất vào địa bàn các khu công nghiệp của Quảng Ninh.
Ngoài ra, một số dự án tiêu biểu khác như: Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện của Công ty TNHH Multi-Sunny Việt Nam (10 triệu USD); Nhà máy Lioncore Việt Nam của Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam (30 triệu USD); Dự án Haiyun Việt Nam của Công ty TNHH Hải Vận (10 triệu USD); Dự án Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 của Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam (8 triệu USD); Dự án Jingsung Hitec Vina Co.,Ltd của Công ty TNHH Jinsung Vina (trên 13 triệu USD).
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ phối hợp với Công ty cổ phần DEEP C đồng chủ trì tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với chủ đề “Khu kinh tế ven biển – Cơ hội đầu tư bền vững tại Quảng Ninh” tại Tp. Hồ Chí Minh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào Quảng Ninh. Cùng với đó, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư về lĩnh vực dược năm 2021 tại tỉnh Quảng Ninh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án gồm sản phẩm dệt may của Công ty Super Cap (Đài Loan, Trung Quốc), nhà kho, nhà xưởng xây sẵn của Công ty Logos (Australia) và dự án Tổ hợp kho, cảng hàng lỏng và công nghiệp chuỗi giá trị sản phẩm khí của Công ty cổ phần Hóa dầu Yên Hưng vào các khu công nghiệp của tỉnh.
Quảng Ninh cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, thúc đẩy phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; các chính sách đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động và chính sách thu hút. Cùng đó, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho khu công nghiệp, khu kinh tế.
Ngoài ra, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư khởi công triển khai dự án.
Nguồn: baotintuc