Sông Ba Chẽ là con sông lớn của tỉnh, bắt nguồn từ các khu rừng nguyên sinh của Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng, hợp lưu cùng nhiều con sông từ huyện Đình Lập (Lạng Sơn) rồi uốn lượn làm duyên quanh những dãy núi, quả đồi, cánh rừng của huyện trước khi đổ ra biển.
Bản trường ca của núi rừng
Sông nhập “hộ khẩu” vào huyện Ba Chẽ hướng Đông Bắc từ xã Lương Mông và theo hướng Đông từ xã Thanh Lâm, chảy qua thị trấn Ba Chẽ rồi xuôi về với biển. Sông có chiều dài khoảng 80km với lưu vực sông rộng, lại có nhiều nhánh, vùng thượng lưu tính từ đỉnh Thiên Sơn cao trên 1.200m so với mực nước biển.
Nếu tính cả những con suối phía Nam xã Đồn Đạc thì sông dài áng chừng trên 95km. Còn tính từ nhánh qua phía Tây xã Lương Mông thì sông Ba Chẽ dài đến 150km. Lương Mông là xã cuối cùng của huyện nhưng lại là khởi phát của con sông trên đất Ba Chẽ.
Anh Nguyễn Văn Hoa, người có đến 28 năm làm nghề lái đò trên sông, chở chúng tôi đi ngược, khám phá dòng sông bảo rằng, anh cũng không biết chính xác con sông dài đến độ nào. Chỉ biết rằng, có thể mất cả đời cũng không đi hết được mọi ngóc ngách của con sông.
Điều anh Hoa nói với tôi cũng thật dễ hiểu thôi bởi vì đoạn thượng lưu sông Ba Chẽ dốc, nhiều ghềnh thác, nhiều chi lưu. Thuyền nào di chuyển được ở những nơi hiểm yếu đấy? Nhưng cũng chính điều đó làm cho sông Ba Chẽ dung chứa trong lòng những điều bí ẩn, gọi mời những bước chân khám phá.
Từ Lương Mông chảy về thị trấn, lòng sông Ba Chẽ cao hơn, quả là nhiều thác ghềnh. Nào là thác Trúc (xã Thanh Sơn), thác Khe Lạnh, thác Khe Ngại (xã Nam Sơn), thác Đá Vuông, thác Khe O, thác Sông Công (xã Đồn Đạc), thác Khe Ốn, thác Khe Lào, thác Khe Xoong (xã Thanh Lâm), Khe Lầy (xã Đạp Thanh)… Trong số đó, thác Trúc như một đoạn trúc trắc của một trường ca vốn êm ả của núi rừng.
Qua khu vực xã Nam Sơn, dòng sông hẹp hơn chỉ đi được thuyền nhỏ vào mùa nước lớn, nếu tiếp tục đi đến khu vực xã Đồn Đạc, ta sẽ gặp thác Lang Cang, nơi hứa hẹn trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Ba Chẽ. Thác Lang Cang có thác nước thoai thoải với độ dốc không cao, phần thác chính dài hơn 200m và gần 2km vùng hồ đệm, có các cánh rừng hoang sơ và ruộng bậc thang của người dân xã Đồn Đạc. Thuyền gỗ không lên được thác mà chỉ có thuyền phao.
Anh Lê Minh Đạt, Bí thư Huyện Đoàn Ba Chẽ, người đồng hành với chúng tôi cho biết: Không chỉ đưa thuyền phao về đây, Huyện đoàn phối hợp với xã Đồn Đạc xây dựng biển tên thác, vệ sinh môi trường, trồng 1.000m2 hoa hướng dương để tạo cảnh quan, tổ chức dịch vụ chèo thuyền, ẩm thực, nghỉ chân cho du khách…
Cùng với Lang Cang, nhiều thác nước đổ xuống suối. Nhiều con suối nhỏ ấy rủ nhau hợp thành sông. Suối giống như những sợi chỉ nhỏ dệt lên tấm thổ cẩm dài. Sông như tấm thổ cẩm mà sơn nữ vừa đan xong rồi choàng lên đôi vai lực lưỡng của chàng trai khổng lồ của núi rừng Ba Chẽ.
Một thời, sông Ba Chẽ chính là huyết mạch giao thông để đưa bè mảng, tre nứa, cây thuốc lâm sản về phía biển rồi lại mang muối, dầu hoả, nước mắm về phía thượng nguồn. Trước đây, dong thuyền chơi trên sông, dễ dàng gặp những ngư dân bơi thuyền độc mộc bằng chân. Từ năm 1976, đường 330 được mở chẳng còn ai đi thuyền độc mộc nữa. Tôi lại nhớ đến 2 câu thơ rất gợi của nhà thơ Quang Dũng: “Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Theo dòng nước lũ, hoa đong đưa“. Ai có thể không nhớ, chứ anh Hoa thì nhớ lắm.
Chúng tôi bắt gặp một đoạn sông người Ba Chẽ gọi là Cổ Ngựa. Câu chuyện về con sông của chị Vi Thị Tuyến, cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin, về sông Cổ Ngựa như vén cho chúng tôi tấm rèm huyền thoại để lật từng trang sử cũ. Chuyện là, cũng bởi vì có nhiều cồn bãi, cây cối um tùm nên sông Ba Chẽ kín đáo thích hợp cho phòng thủ quân sự. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, thế giặc mạnh, vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Thánh Tông đã ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ (Ba Chẽ ngày nay) lánh nạn.
Về chuyện này, “Đại Việt Sử ký toàn thư” chép rằng: “Thế giặc bức bách, hai vua ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên, sai thuyền ngự ra Ngọc Sơn (mũi biển thuộc châu Vạn Ninh, nay là Móng Cái) để đánh lừa giặc…”. Đây được coi là cuộc rút lui chiến lược của nhà Trần để rồi sau đó xây dựng thế trận phản công, giành thắng lợi. Bởi thế, sông Ba Chẽ là ân nhân của quan quân nhà Trần.
Hành trình vượt biển
Càng dần ra phía biển sông càng rộng và sâu đến không ngờ, có thể đi được tàu lớn. Bên bờ sông từ lâu đã hình thành các làng bản của người Dao. Năm 2020, từ Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, huyện Ba Chẽ đã xây dựng miếu Bàn Vương và Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao. Cùng với đó là việc phục dựng lễ hội Bàn Vương. Trong lễ hội có tái hiện hành trình “Vượt biển” (khảm hải) của người Dao đến vùng đất mới để lập nghiệp.
Hành trình vượt biển xưa kia của tổ tiên người Dao là con đường vạn dặm, khó khăn và gian khổ. Còn con đường du thủy ra biển của du khách hôm nay chỉ bắt đầu từ bến thuyền khu vực Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian.
Bên kia sông là Miếu Bà. Người dân Ba Chẽ tôn thờ họ dựng miếu thờ để quanh năm khói hương. Ngày nay, khi du khách đến với Miếu Ông – Miếu Bà đã có thể đi bằng đường bộ, nhưng nhiều người vẫn thích được đi bằng đường sông để được ngắm cảnh núi rừng thơ mộng.
Sông Ba Chẽ còn hấp dẫn bởi bên bờ có di tích lò sứ cổ có niên đại hàng trăm năm ở thôn Làng Mới, xã Nam Sơn.Trước đây, vào lò sứ cổ không có đường bộ mà bà con phải đi lại bằng thuyền. Đường giao thông thuỷ phục vụ cho việc mua bán nhưng cũng giúp giữ được bí quyết về công nghệ làm gốm sứ.
Tương truyền, khi có người lạ vào làng, lập tức có người chặn hỏi mật hiệu, nếu không trả lời đúng thì lập tức bị đuổi ra khỏi làng. Thế rồi, nghề ông cha cũng mai một, lò sứ cổ đóng cửa, nằm im lìm giữa rừng già. Do đường đi lại khó khăn nên di tích này đã được giữ khá nguyên vẹn. Tương truyền, trữ lượng đất sét cao lanh còn lại ở khu vực này còn rất lớn, nghe đâu độ chừng dễ đến 2 tỷ tấn.
Không chỉ giàu tài nguyên đất sét, con sông Ba Chẽ nước luôn trong xanh, điều hoà khí hậu mát lành thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái hấp dẫn. Thời thuộc Pháp, nhiều thương gia đã đến đây xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, kết hợp với thú vui săn bắn.
Sông Ba Chẽ còn tạo độ ẩm cho đất sinh sôi ra đặc sản như: Mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm, sa nhân Lương Mông, quýt bưởi Đạp Thanh, ba kích Minh Cầm. Dưới nước thì có cà ra, ốc suối, cá suối thơm ngon lạ lùng. Nước sông Ba Chẽ được ví như vò nước ngọt khổng lồ, nguồn dự trữ chiến lược nước sạch cho các đô thị lớn ở Quảng Ninh.
Nước sông cũng làm cho tôm cá ở đây ngon hơn. Chốc chốc, chúng tôi lại gặp một chiếc thuyền nhỏ. Anh Hoa bảo rằng vợ chồng họ đang đi bắt tôm. Dụng cụ bắt hết sức thô sơ chị là chiếc vợt. Điều đó chứng tỏ tôm phải sẵn đến độ nào. Đặc biệt, tôm rảo và cà ra sông Ba Chẽ rất ngon.
Anh Hoa hồ hởi bảo tôi rằng, có muốn ăn hải sản ngon thì cứ theo anh xuôi theo dòng sông qua cầu Ba Chẽ ra phía biển. Phía ấy là rừng ngập mặn Đồng Rui (Tiên Yên) hoang dã, là mũi Lòng Vàng, là biển cả bao dung.
Trước khi về với biển sông Ba Chẽ rộng dần, bên trái gặp sông Tiên Yên, bên phải sông Voi Lớn. Điểm giao ba cửa sông, người địa phương gọi là Ba Chẽ. Tên sông cũng là tên huyện, bắt nguồn từ đấy. Thế đất tạo ra sông. Sông lại đặt tên cho đất. Tam Trĩ-Ba Chẽ, cái tên không mấy mỹ miều, nhưng mộc mạc, giản dị và bao dung.