Ngày mai 30/12, UBND tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư sẽ khánh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn – sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước. VnExpress có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về sự kiện này.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Minh Cương |
– Thưa ông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đánh giá như thế nào về công trình sân bay Vân Đồn?
– Trong vòng ba năm kể từ ngày đặt viên gạch đầu tiên cho tới nay, một sân bay với cấp độ 4 E đã hoàn thành đồng bộ các hạng mục. Trong những ngày này, nếu đến sân bay và quan sát thực tế, chúng ta sẽ thấy rất rõ nhiều trang thiết bị rất hiện đại ở sân bay, nhà ga được thiết kế rất đẹp.
Trong quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư cùng với tỉnh Quảng Ninh và các bộ ngành Trung ương luôn rà soát, điều chỉnh để đảm bảo sân bay được tiếp cận ngay với những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới.
Điều mà chúng tôi ấn tượng là tiến độ thi công sân bay Vân Đồn rất nhanh, chỉ trong hơn một nghìn ngày. Nếu đây là dự án đầu tư công, có lẽ lúc này chúng ta vẫn đang bàn về chủ trương đầu tư và các thủ tục. Qua đây thấy rõ là đổi mới mô hình xây dựng các công trình hạ tầng lớn bằng nguồn lực xã hội thì sẽ nhanh hơn.
Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương |
Nhà đầu tư sân bay Vân Đồn hoàn toàn sử dụng vốn huy động trong nước, việc xây dựng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Luật hàng không và các luật khác về dự án sân bay. Đây có thể nói là một mô hình rất mới ở Việt Nam.
– Sân bay này đi vào hoạt động sẽ có tác động như thế nào đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh?
– Trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có những bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ với hệ thống cao tốc kết nối Hà Nội, Hải Phòng, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và cảng tàu khách quốc tế.
Vừa qua tỉnh đã đưa vào hoạt động Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long chuyên cho khách du lịch. Cách đây mấy ngày, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch đã cùng với tỉnh đón các vị khách quốc tế thứ 15 triệu đến Việt Nam bằng hệ thống tàu biển.
Với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh “mở cửa” cả trên bầu trời. Như vậy du khách trong nước cũng như quốc tế đến với Quảng Ninh sẽ nhanh hơn; việc vận tải hàng hoá cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn.
Chúng tôi tin tưởng hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ đó sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư nhiều hơn và tỉnh có quyền lựa chọn nhà đầu tư mang lại những giá trị gia tăng lớn hơn.
– Với việc cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đã đi vào hoạt động, từ thành phố Hạ Long người dân có thể lựa chọn sang sân bay Cát Bi (Hải Phòng) gần hơn so với sân bay Vân Đồn. Vậy lợi thế cạnh tranh của sân bay Vân Đồn là gì, thưa ông?
– Việc này không phải đến bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy. Từ khi nhà đầu tư bắt đầu nghiên cứu triển khai thực hiện sân bay, tỉnh đã công khai quy hoạch về giao thông trong đó có hệ thống cao tốc, sân bay Cát Bi lúc đó cũng đang trong giai đoạn mở rộng rồi. Thế nên nhà đầu tư và tỉnh đã bàn đến các giải pháp cho vấn đề này.
Chúng tôi xác định rất rõ, nếu chỉ vận tải hành khách thông thường, đúng là so với sân bay Cát Bi thì Vân Đồn có những khó khăn về mật độ hành khách. Vì vậy từ trong thiết kế sân bay Vân Đồn đã có tính toán kéo dài đường lăn từ 3.000 m lên 3.600 m để phục vụ chiến lược lâu dài là vận tải hàng hóa bằng hàng không.
Ở đây có tính đến phát triển các dự án tại Khu kinh tế Vân Đồn cũng như toàn tỉnh và khu vực biên giới, sau này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đưa hàng hóa sản xuất từ nhà máy, khu kinh tế, khu công nghiệp đến thị trường không chỉ trong nước mà toàn thế giới.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tính đến việc sân bay Cát Bi có những khó khăn trong điều kiện thời tiết sương mù, thì ở sân bay Vân Đồn đã khắc phục được để tạo ra lợi thế.
Một điểm nữa là chúng tôi kết nối các tour du lịch để tạo ra tuyến bay phục vụ du khách, làm sao để hành khách khi đến sân bay Vân Đồn sẽ có nhiều thuận lợi khi tham gia vào các hoạt động du lịch, giải trí trên địa bàn tỉnh.
Đường cất hạ cánh của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được trang bị hệ thống dẫn đường bay ILS Cat II, bảo đảm chỉ dẫn cho tàu bay hạ cánh ngay cả khi thời tiết bất lợi nhất. Ảnh: Minh Cương |
– Trước đây nhà đầu tư và tỉnh xây dựng sân bay Vân Đồn trong bối cảnh có dự kiến xây dựng đặc khu. Hiện dự án Luật đặc khu kinh tế đã được lùi thời gian trình Quốc hội xem xét. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
– Vấn đề này được rất nhiều người quan tâm. Trong thực tế khu kinh tế ven biển Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh cùng với các bộ ngành nghiên cứu từ rất lâu, sau này khi xây dựng đề xuất về đặc khu kinh tế thì vẫn trên nền tảng khu kinh tế Vân Đồn.
Tại thời điểm nghiên cứu khu kinh tế Vân Đồn và xây dựng sân bay, chúng tôi chưa tính toán tới việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường cao tốc từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái về đến Vân Đồn, nhưng hiện việc này đã hiện hữu và đem lại những lợi thế về kết nối khu vực cửa khẩu vào tới cảng hàng không.
Trong chiến lược của tỉnh, chúng tôi vẫn duy trì tất cả các nhiệm vụ và mục tiêu đối với khu kinh tế Vân Đồn đã được xây dựng trước đây, bao gồm việc khai thác cảng hàng không cũng như thu hút nhà đầu tư đến với khu kinh tế Vân Đồn nói riêng và các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nói chung.
– Việc quản lý mô hình sân bay tư nhân được thực hiện như thế nào?
– Khu bay và quản lý không lưu hoàn toàn do Cục Hàng không, Tổng công ty bay Việt Nam quản lý theo quy định của Luật hàng không; nội dung này được quy định rất rõ trong luật rồi. Nhà đầu tư BOT chỉ quản lý các dịch vụ mặt đất, nghĩa là toàn bộ thu dịch vụ trong phạm vi các hạng mục mặt đất thuộc nhà đầu tư.
Ngày 26/12, Thủ tướng đã phê duyệt việc mở Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Theo đó, sân bay này nằm trong địa giới hành chính thuộc địa phận xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; phục vụ hoạt động bay dân dụng và hoạt động bay quân sự với sân bay cấp 4E, tiếp nhận các loại tàu bay B777/787/747-400, A350 và tương đương. Nhà ga hành khách có công suất từ 2 triệu đến 2,5 triệu khách/năm.
Minh Cương